Mỹ tái cấu trúc chuỗi cung ứng?

TTO - Rút chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc rất có thể là cụm từ khóa then chốt ẩn sau lớp sương mờ từ những màn đấu khẩu ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc quanh trách nhiệm với COVID-19.

Cọ xát Mỹ - Trung ngày càng quyết liệt, kể cả khi cả thế giới và Mỹ đang gồng mình chống đại dịch COVID-19 - Ảnh: orissapost.com

Theo Hãng tin Reuters, Mỹ đang cố gắng tạo ra một liên minh được gọi là "Mạng lưới thịnh vượng kinh tế", nhằm thúc đẩy việc rút chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc.

“Chúng tôi đang làm việc cùng những người bạn của chúng tôi ở Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam để chia sẻ thông tin và cách xử lý tốt nhất vì chúng tôi bắt đầu thúc đẩy kinh tế toàn cầu tiến lên.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu ngày 29-4.

Nhận diện "Mạng lưới thịnh vượng kinh tế"

Từ góc độ của Mỹ, đại dịch COVID-19 đã làm bật lên vai trò then chốt của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng đối với thuốc generic (biệt dược gốc), chiếm phần lớn các đơn thuốc ở Mỹ.

Nó cũng cho thấy sự thống trị của Trung Quốc đối với các mặt hàng như camera đo thân nhiệt để kiểm tra tình trạng sốt của công nhân, và tầm quan trọng của nó trong việc cung ứng thực phẩm. Mỹ cho rằng COVID-19 là sự kiện khiến nước này phải đẩy nhanh tốc độ rút chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Trong bản tin đáng chú ý ngày 4-5, Reuters khẳng định chính quyền Tổng thống Donald Trump đang đẩy mạnh sáng kiến rút chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc, trong bối cảnh Washington tính toán việc áp thuế nhập khẩu bổ sung lên hàng Trung Quốc nhằm "trừng phạt Bắc Kinh vì cách xử lý đại dịch".

Nguồn thạo tin về kế hoạch của chính quyền Trump nói với Reuters rằng trong số các phương án trừng phạt Trung Quốc nêu trên, những thảo luận về việc rút chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc đang được ưu tiên, đẩy nhanh và điều bất ngờ ở chỗ đó là một phương án đa phương, được gọi là "Mạng lưới thịnh vượng kinh tế" (Economic Prosperity Network).

Theo lời một quan chức Mỹ trong bản tin của Reuters, mạng lưới này gồm các công ty và tổ chức xã hội hoạt động dưới một bộ tiêu chuẩn về mọi mặt, từ kinh tế số, năng lượng và hạ tầng cho tới nghiên cứu, xuất nhập khẩu, giáo dục và thương mại tổng thể.

Trên thực tế, "Mạng lưới thịnh vượng kinh tế" chưa được liên hệ trực tiếp hay chính thức tới các nước cụ thể. Nhưng Reuters đã liên tưởng nó với một phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào ngày 29-4.

Theo đó, ông Pompeo cho biết chính quyền Mỹ đang hợp tác cùng Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam để "đưa nền kinh tế toàn cầu tiến lên" mà giới quan sát xem là hành động tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trung Quốc phản đối QUAD-Plus

QUAD (Bộ tứ kim cương) là cụm từ dùng để chỉ khuôn khổ hợp tác của bốn nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.

Tuy nhiên, Thời báo Ấn Độ (Times of India) đã sử dụng cụm từ QUAD Plus cho một bản tin về cuộc họp trực tuyến giữa "Bộ tứ kim cương" với 3 quốc gia khác, gồm Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand.

Đó là một cuộc họp thảo luận xung quanh vấn đề COVID-19 và được gọi là "Hội nghị trực tuyến QUAD-Plus". Bảy nước nêu trên theo đó "được kỳ vọng tiếp tục khuôn khổ họp trực tuyến hằng tuần, bao quát các vấn đề như phát triển vắcxin, thách thức từ việc công dân bị kẹt lại nước sở tại, hỗ trợ các nước có nhu cầu và giảm thiểu tác động lên kinh tế toàn cầu".

Theo các vấn đề xuất hiện trong nội dung thảo luận của QUAD-Plus, việc "giảm thiểu tác động lên kinh tế toàn cầu" chính là điểm mấu chốt có thể tạo ra sự thay đổi của chuỗi cung ứng cũng như thương mại quốc tế nói chung.

Như vậy, có ba khái niệm chưa được chính thức liên kết với nhau. Đầu tiên là nhóm làm việc 7 nước về COVID-19 gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand. Thứ hai là "QUAD Plus" theo cách gọi của Times of India. Và thứ ba là "Mạng lưới thịnh vượng kinh tế" mà Reuters nhắc tới. Tuy nhiên, phía Trung Quốc không ngần ngại liên hệ các khái niệm này với nhau và cho đó là một kế hoạch tổng thể của Mỹ.

Website của Đài truyền hình quốc tế Trung Quốc CGTN ngày 4-5 đăng bài xã luận của một chuyên gia người Nga, trong đó khẳng định hóa ra cuộc chiến truyền thông đổ lỗi cho Trung Quốc về COVID-19 chỉ là một phần trong kế hoạch toàn diện "Mạng lưới thịnh vượng kinh tế".

Theo đó, tác giả cáo buộc Mỹ không chỉ đổ lỗi cho Trung Quốc về COVID-19 để né trách nhiệm, mà còn biến COVID-19 thành một cái cớ để thay đổi chuỗi sản xuất theo hướng bất lợi cho Trung Quốc. Nói cách khác, Trung Quốc cũng cho rằng Mỹ lợi dụng đại dịch COVID-19 để làm một cột mốc thuyết phục "những người bạn" ở các nước còn lại thay đổi sự cung ứng.

QUAD-Plus là gì?

QUAD là cách gọi tắt của Đối thoại an ninh bốn bên, một khuôn khổ đối thoại chiến lược không chính thức giữa bốn nước, gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Khuôn khổ đối thoại này được Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đưa ra vào năm 2007. Sự hợp tác của QUAD đặc biệt bao gồm tập trận quân sự chung, và được đa số giới quan sát cho rằng nhằm làm đối trọng với sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Theo Heritage Foundation - một cơ quan nghiên cứu ở Washington, Mỹ, dấu vết của QUAD thực tế xuất hiện từ năm 2004, thời điểm cũng bốn thành viên trên đã thành lập nhóm Nòng cốt khu vực (Regional Core Group), vốn đóng vai trò phản ứng đầu tiên đối với trận sóng thần làm chết khoảng 230.000 người ở Ấn Độ. Nhưng sau khi ông Abe ra sáng kiến về đối thoại QUAD, mô hình này rơi vào quên lãng từ năm 2008 trước lúc quay trở lại trên chính trường quốc tế cuối năm 2017.

Trước đó kể từ năm 2013, Heritage Foundation đã tổ chức các đối thoại thường niên, cũng dùng cụm từ QUAD Plus mà Times of India sử dụng gần đây. Đối thoại của Heritage Foundation gồm quan chức, chuyên gia từ các nước QUAD cộng thêm những đối tác luân phiên bên ngoài. Phần "Plus" này vì vậy từng xuất hiện quan chức và chuyên gia của Philippines, Indonesia, Singapore, Đài Loan, Pháp và Sri Lanka.

NHẬT ĐĂNG